Amber hay hổ phách là loại đá quý tượng trưng cho sức mạnh và lòng can đảm. Cái tên đầy ý nghĩa này thực sự rất hợp với cô – một người còn trẻ nhưng đã đi qua hơn 20 nước trên thế giới cùng nhiều trải nghiệm. Thế nhưng khi được gặp và trò chuyện trực tiếp với cô Amber Marie Wilson với tư cách một giáo viên chuyên gia tại Chuyên Ngữ, chúng tôi nhận ra rằng ở cô không chỉ có lòng can đảm của hổ phách mà còn nhiều hơn thế.
LÝ LỊCH TRÍCH CHÉO
1. Tên đầy đủ: Amber Marie Wilson
2. Năm sinh: 1990
3. Cung hoàng đạo: Bạch Dương
4. Sinh ra và lớn lên tại Denver, CO, USA
5. Cử nhân Ngôn ngữ Anh và Nhân loại học tại Đại học Colorado
6. Đến Việt Nam vào tháng 6 năm 2016
Tại sao cô lại chọn đi nhiều nơi trên thế giới, dạy học ở các nước khác nhau thay vì có một công việc ổn định ở Mỹ?
Giảng dạy thực ra không phải là điều mà cô nghĩ cô sẽ theo đuổi cho sự nghiệp lâu dài của mình. Cô từng làm người hướng dẫn viết luận và viết cho một công ty thời trang trong trong hơn 2 năm. Khi cô dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc, cô nhận ra rằng mình thực sự rất yêu thích công việc dạy học. Cô rất thích thời gian ở đó và rất yêu mến học sinh. Nhưng sau Hàn Quốc, cô cảm thấy sẵn sàng để trải nghiệm những điều mới mẻ hơn nên cô đã đến Việt Nam. Cô thực sự thích văn hóa ở đây nên sau khi trở về Mỹ để gặp gia đình , cô quyết định sẽ trở lại làm giáo viên nơi này. Một động lực đó là cô muốn làm muồn điều gì đó có ích. Bởi nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, không thực sự nghiêm túc và tâm huyết với ngôn ngữ này và không chịu khó học hỏi. Cô biết rằng mình phải học hỏi rất nhiều tại những đất nước, con người khác nhau và từ những điều đó, cô hi vọng mình sẽ đem lại những điều tốt đẹp thực sự với các học sinh của mình
Việc cô đi đây đi đó nhiều có phải là được thừa hưởng từ gia đình không?
Bà cô luôn nói rằng cô giống ông cô, người mà cô chưa bao giờ gặp vì ông qua đời trước khi cô được sinh ra. Bà nói rằng cả hai người đều có đôi chân thích bay nhảy, ưa dịch chuyển. Ông đã từng trong quân đội nên chủ yếu các chuyến đi là để thực hiện nhiệm vụ của chính phủ, vì thế mà ông cô khá quen với việc di chuyển nhiều. Vì vậy, cô nghĩ rằng việc cô đi nhiều nơi là thừa hưởng từ ông mình.
Trong lần đầu đến đất nước này thì cô hẳn gặp phải kha khá những khó khăn đúng không ạ?
Đó là lần cô cố gắng bắt xe đi Ninh Bình. Cô và vài người bạn đã đến một trung tâm du lịch sớm hơn nửa tiếng để đặt xe mà thậm chí còn không có điện thoại để liên lạc. Không có ai ở đó cả. Mất một lúc lâu thì xe buýt mới xuất hiện và nhân viên mới hỏi cô: “Chị định đi Hội An đúng không?”. Và rồi anh ấy nhận ra mình đã nhầm rồi. Đùng một cái, anh ấy lấy xe riêng, cho đồ đạc của bọn cô vào trong cốp và đi lên cao tốc rồi đưa mọi người lên một chiếc xe bus ở một nơi vô cùng vắng vẻ. Điều này làm cô hoảng một chút. Đó chính là những thứ mà mình chưa bao giờ nghĩ là sẽ có thể thích nghi được và rồi lại chấp nhận và hành động như chưa gặp bất cứ khó khăn nào vậy.
Cô có thể chia sẻ một chút về cuộc sống ban đầu khi cô chuyển tới Việt Nam được không ạ?
Cô tới Việt Nam sau khi rời Hàn Quốc. Hàn Quốc là một đất nước tương đối nghiêm khắc trong khi tính cách của cô lại là tự đặt cho mình khá nhiều áp lực và có thể căng thẳng khi cố gắng làm chủ công việc. Thế nên khi rời khỏi Hàn Quốc, cô như trút được một phần gánh nặng. Việt Nam thì khác hoàn toàn. Mọi thứ cứ diễn ra một cách rất tự nhiên mà cô cũng không sao hiểu nổi.
Cô có vẻ như đã quá quen với việc sốc văn hóa bất cứ đâu mà cô đặt chân đến lần đầu tiên đấy ạ!
Cô lại nhớ khi mình ở Ấn Độ, đi lang thang dọc một con sông và chụp cảnh hoàng hôn. Bỗng dưng có một người nắm lấy tay cô và kéo về phía gia đình của họ đang chụp ảnh ở gần đó. Họ đặt em bé vào vòng tay cô trước mặt một đám thợ ảnh và cả gia đình đang khua chân múa tay để em bé nhìn vào ống kính. Thậm chí có lần cô còn được đẩy vào đứng giữa một bức ảnh của đại gia đình. Họ còn cười phá lên khi cô cố gắng chụp ảnh với một con bò (cô tự thấy mình kì quặc thật) *cười*
Theo cô thì điểm khác biệt giữa học sinh Việt Nam và học sinh ở các quốc gia khác mà cô từng dạy là gì?
Học sinh ở các nước châu Á đều chịu nhiều áp lực từ cha mẹ nhưng cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với việc này hơi khác một chút so với ở Việt Nam. Ở Hàn Quốc, cô thường tạo các hoạt động học tập chẳng hạn như các trò chơi, nhưng cha mẹ lại muốn có nhiều bài tập về nhà hơn cho học sinh. Ở Việt Nam thì học sinh thường trễ nải việc học cho đến khi kết quả cuối cùng được công bố *cười*. Đó là một trong những khác biệt chính mà cô thấy. Với những sinh viên người Mỹ mà cô đã từng làm việc cùng, đôi khi học sinh trung học gặp khó khăn trong việc hiểu xem tại sao mình phải học những thứ không liên quan đến chuyên ngành tương lai. Nhưng cô nghĩ khó khăn đó là bởi vì học sinh ở đó tập trung rất nhiều vào Giáo dục Tự do (Liberal Education) phát triển những kĩ năng mình cần thay vì học các môn học chuyên sâu khác
Một trong hai ngành học của cô tại trường Đại Học Colorado – Nhân loại học – đã giúp ích gì cho việc giảng dạy của cô ạ?
Dù có học bổng cho ngành nhạc kịch nhưng cô đã chọn hai ngành học trên. Điều tuyệt vời nhất mà cô học được từ Khảo cổ học đó là tôn trọng những nền văn hóa khác nhau và . Chúng ta không chỉ biết văn hóa có những điều gì tuyệt vời mà chúng ta cũng có thể mang đến một điều gì đó mới mẻ cho nó. Nếu cô quay lại Mỹ thì cô cũng muốn học sinh biết về những điều cô học từ nền văn hóa Việt và Hàn hay bất cứ nước nào mà cô đã trải qua.
Em nghĩ rằng mục tiêu của cô có thể giúp học sinh tránh được những sự hiểu lầm, định kiến và cả vấn đề chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) nữa.
Chiếm dụng văn hóa ở Mỹ là một vấn đề khá nóng hiện nay. Có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra. Chúng ta nên nhìn nhận rằng đôi khi nhiều thứ đi quá xa tại Mỹ. Phần lớn vấn đề trở nên giống như một con lắc đơn, lắc từ bên này sang bên kia và mất rất nhiều thời gian để trở về vị trí cân bằng.
Theo cô thì những yếu tố nào là quan trọng để thích nghi với môi trường mới ở một đất nước xa lạ, đặc biệt là đối với những bạn có ý định du học?
Tôn trọng nền văn hóa giúp bạn hòa nhập vào môi trường mới một cách dễ dàng. Bạn có thể bối rối lúc đầu, đó là điều dễ hiểu, nhưng đừng dối xử với mọi người một cách thiếu đứng đắn. Một yếu tố khác là sẵn sàng học hỏi. Cô đã gặp một vài người vật lộn với chính chuyến đi du lịch của mình. Chuyến đi không đạt được như kì vọng và họ cũng buông xuôi cơ hội học và tìm hiểu con người, lịch sử ở đó. Quả là một sự lãng phí nếu bạn không nhìn được vào những mặt tốt để học hỏi.
Với chương trình tiếng Anh chuyên gia lớp 11, có một phần chưa từng xuất hiện trước đây đó là Văn học tiếng Anh, cô cho rằng phương pháp mới này đem lại những hiệu quả gì với các học sinh của mình?
Lúc đầu cô được nhân một yêu cầu khá chung từ phía nhà trường là trang bị tư duy phản biện nhiều hơn cho các em. Trong muôn ngàn cách tiếp cận với kỹ năng này, cô chọn Văn học. Văn học được viết một cách có chủ đích. Các nhà văn, nhà thơ luôn suy nghĩ về việc “Mình sẽ viết gì?”, họ sẽ sử dụng những chất liệu cuộc sống quen thuộc và tìm những hướng giải quyết cho những nút thắt khác nhau. Khi biết về chương trình học này, các bạn có một sự hoang mang không hề nhẹ *cười*. Nhưng cuối cùng các em lại làm tốt hơn rất nhiều so với kì vọng bởi các em đã tự mình tim tòi ý nghĩa tác phẩm và áp dụng một chút gì đó cho cuộc sống của mình. Rất nhiều học sinh đã phản hồi lại rằng, qua hoạt động phân tích những tác phẩm tiếng Anh này, các em đã nhìn nhận Văn học theo một cách rất riêng, rất mới mẻ. Đơn cử như tác phẩm “There will come soft rains” (bởi Ray Bradbury) – nói về công nghệ và sự nguy hiểm của nó trong tương lai, Có bạn đưa ra ý kiến là sau cùng thì thiên nhiên sẽ vượt lên tất cả, trong khi một số khác lại không đồng ý với điều đó. Nhờ vào những ý kiến và dẫn chứng hết sức thuyết phục mà các bạn đã tạo nên những cuộc tranh luận rất thú vị và những bài luận đáng đọc.
Cô đã đi qua rất nhiều vùng đất và trở thành giáo viên ở rất nhiều nơi, có vẻ như cô đã đạt được mục tiêu của cuộc đời mình rồi chăng?
Thực ra mục tiêu lớn nhất của cô là biết mình là ai và mình sẽ đem lại điều tốt đẹp gì đến thế giới này. Năm cuối tại trường Đại học giúp cô nhận ra mình đáng lẽ có thể là một con người như thế nào. Rồi cô nhận ra đi nhiều nơi, gặp nhiều người, học nhiều điều quan trọng như thế nào. Cô sẽ tiếp tục tìm ra con người mình. Khi hoàn thành mục tiêu đó, cô sẽ ổn định cuộc sống, lấy bằng Thạc sĩ, trở thành một giảng viên đại học và chia sẻ những ý tưởng của mình tới học sinh. Có lẽ cô đang rất gần với mục tiêu đó rồi. Đấy!
Chúng em cảm ơn cô vì đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và luôn biết ơn những gì cô đem lại cho học sinh Chuyên Ngữ tại đây. Chúng em chúc cô những điều tốt đẹp nhất trên con đường sắp tới, đặc biệt là điểm đến tiếp theo – Myanmar!
Đọc bản tiếng Anh tại đây
Trả lời