
Những ngày cuối năm, chiều tàn nhanh. Phố kéo đèn sớm; ánh vàng hiu hắt phả lên những gương mặt phờ phạc. Anh uể oải ngáp dài, bảo Tết đến sao mà nhanh quá. Chưa kịp động tay làm gì mà đào đã hồng rực cả một dãy phố…

Anh lên Hà Nội đâu đó được vài ba chục năm, lập nghiệp bằng nghề báo chí. “Lập thân tối hạ thị văn chương.” Ý là lập thân bằng cái nghề văn chương nghệ thuật là thứ nghề thấp kém, hèn mọn nhất. Thấp kém hèn mọn vì trò đời, mấy ai trọng cái mộng mơ? Người ta giờ mải lao tâm khổ tứ vì vài đồng bạc lẻ. “Tai to mặt lớn không muốn, lại muốn đi làm phu phó nháy!” Cha anh hay cằn nhằn vậy. Nhưng tuổi trẻ xốc nổi, nào có nề hà gì? Anh cứ mặc sức mà đi. Đôi ba năm đại học lướt qua như cơn gió. Chàng sinh viên khoa Văn lật đật vác tâm tư và chiếc máy ảnh vào đời. Anh đi nhiều, chụp nhiều, thỉnh thoảng chêm vào ảnh vài dòng vu vơ.
Cánh thợ chụp tầm này thường nhàn rỗi. Cận Tết, ảnh ọt phần nhiều cũng đã xong xuôi, chỉ chờ có lên bài. Mấy hiệu ảnh cũng đâm lưa thưa. Dòng người qua lại trên phố đông, lo toan hằn lên gương mặt. Mấy ai kịp để ý đến dung mạo mình, huống chi là còn đi chụp ảnh. Những ngày rỗi rãi hiếm hoi như này, anh thường tự thưởng cho bản thân dăm điếu thuốc và ly cà phê. Khói tỏa mờ mịt. Cà phê thơm nức mũi. Anh chọn một góc nhỏ trong quán; miệng nhâm nhi ly cà phê, tay lôi ra đôi ba bức ảnh cũ mèm. Trông anh say mê đến lạ. Cũng phải thôi. Dường như có một quy ước ngầm trong giới văn nghệ sĩ: Đã ai dấn thân vào nghiệp văn chương, ắt phải có lấy cho mình một kiệt tác trước lúc xuôi tay. Tuổi anh cũng đã trạc tứ tuần, nhưng may thay cũng có cho mình một bộ ảnh mà bản thân tạm coi là ưng ý. Anh mân mê những tấm polaroid ố vàng, lòng mơ tưởng về những ngày xưa cũ. Khói thuốc đưa anh vào những hoài niệm.

Chiếc xe đò han gỉ chợt xóc mạnh. Anh thanh niên cựa mình trong tiếng rì rầm của động cơ. Ngoài giời nắng gắt, hơi nóng phả vào trong xe nghe ngột ngạt. Chuyến này anh đi Tây Nguyên làm phóng sự – phóng sự thời hậu chiến. Anh xông pha đi trong những ánh mắt ái ngại của đồng nghiệp. Những câu chuyện về bom nổ chậm; về những con người điên dại, mọi rợ sau chiến tranh,… thường làm cánh phóng viên e sợ. Anh biết chứ. Biết vậy anh mới đi. Phiêu lưu như thỏi nam châm, hút trọn ánh mắt của tuổi trẻ. Nhưng lời quả thật như đồn. Tây Nguyên thời hậu chiến chẳng còn gì ngoài quạnh hiu. Đất đỏ lòm oi ả. Gió khô, nóng đến ngạt thở. Trẻ con nheo nhóc, lấm lem, ngông nghênh chạy trong bầu không khí rặt mùi thuốc súng. Cha mẹ chúng cứ mặc. Họ mệt mỏi quá rồi; đời người ngắn ngủi mà họ đã chứng kiến bao cảnh đẫm máu, khổ đau. Bước khỏi chiếc xe đò, anh thấy ảm đạm như chực vồ lấy mình mà ngấu nghiến. Nhưng anh chống chọi được. Anh gửi lòng thương đồng bào vào những xơ xác, điêu tàn của núi rừng Tây Nguyên. “Ảnh anh như có tiếng khóc.” Gã tổng biên tập bảo vậy. Người đời dường như cũng thấy vậy. Những khắc nghiệt của thời hậu chiến in đậm trên từng tấm ảnh. Người ta xem ảnh anh để rồi thương nhau, dìu nhau qua cái thời tăm tối của đất nước. Sự nghiệp anh đi lên từ đó.

Tàu chạy rầm rập. Anh đưa mắt nhìn vào đêm đen bất tận. Tiếng bánh xe nghiến trên đường ray đều đặn, dễ đưa con người ta vào mê man. Anh từ từ để cái uể oải xâm chiếm lấy tâm trí; và cứ thế, anh chìm vào giấc ngủ.
Anh trở mình khi tàu đã gần về ga. Cũng lại Tây Nguyên. Nhưng lần này anh về chẳng phải vì nghĩa vụ hay công việc; anh về vì anh mang nợ nơi đây, anh thành danh chính nhờ mảnh đất này. Vả lại, anh cũng muốn khám phá thêm về cái đất Tây Nguyên núi rừng bạt ngàn. Anh định bụng làm thêm một bộ ảnh nữa mừng đất nước đã trở mình sau hơn trăm năm chỉ toàn máu và nước mắt. Chỉ có một điều anh không ngờ khi anh lại đặt chân về nơi đây…
Khói thuốc súng và ngột ngạt xộc lấy quanh anh. Những đứa trẻ lấm lem. Ánh mắt vô hồn của những người ở lại. Ra vậy. Anh đã lỡ dành cả tâm can cho bộ ảnh, để rồi bây giờ quay lại, chỉ còn mùi khói thuốc… Anh lang thang trên con đường đất đỏ, chỉ để nhớ lại những kinh hoàng của thời hậu chiến. Anh đâu còn trẻ nữa, cũng đã quá ba mươi xuân rồi. Dũng khí của tuổi trẻ đã vỗ cánh ra đi từ lâu lắc. Ảm đạm, héo úa, xơ xác,… được thể mà tràn về, hành hạ tâm khảm người đàn ông trung niên. Anh vội vã leo lên xe đò, trốn chạy khỏi những ám ảnh của chiến tranh…

Anh vội vàng dập thuốc; người ướt đẫm mồ hôi. Trước mắt anh lại là quán cà phê quen. Anh bật lên một tiếng thở dài… Ngót nghét vài chục năm rồi, nhưng bộ ảnh vẫn ám ảnh anh như thế. Hỡi ôi! Người ta nói thời gian chữa lành mọi vết thương, nhưng đâu phải vậy. Thời gian chỉ đậy lại vết thương một cách hờ hững, để cho người ta chủ quan rồi bẵng quên đi mất. Anh cũng vô tư như thế ấy. Để rồi giờ đây anh váng vất trước đôi ba tấm ảnh đã ố vàng. Kiệt tác đấy, nhưng anh trả giá bằng đời người. Tấm ảnh như dậy mùi thuốc súng…

Trả lời