,

TRI ÂN K50: LỜI HỒI ĐÁP 1821

Mở chiếc hộp đựng ký ức, ngắm nhìn từng vật dụng gắn liền với ba năm ở Chuyên Ngữ, dòng cảm xúc hỗn độn cứ thế quay cuồng trong tâm trí liên hồi. Bởi lẽ, quãng đường từ nhà tới trường sau này cũng sẽ đơn thuần là một đoạn đường “từng đi” đến thuộc lòng, sảnh gạch rồi chỉ còn là nơi “từng ngồi lại” với đôi ba kỷ niệm. Và bởi lẽ, ba năm đẹp nhất thời niên thiếu giờ cũng chỉ còn là những ký ức xưa để nhớ về.

I. Vật dụng số 1: Bảng màu sự kiện

Chuyên Ngữ là tổng hòa những màu sắc hết sức thân thương: sắc xanh nơi cổng trường, sắc vàng cùng ánh nắng rực rỡ hay sắc trắng của những chiếc áo đồng phục tinh khôi. Chắc chắn rằng, bức tranh ấy không thể nào hoàn thiện nếu thiếu đi “bảng màu sự kiện” – những hoạt động mang nét riêng của Chuyên Ngoại ngữ.

1. Mười Cộng – Nét cọ đầu

Giữa sắc cầu vồng mà Chuyên Ngữ đã hoạ nên trong lòng mỗi người, “Mười Cộng” có lẽ chính là màu khởi đầu, làm bừng lên những cảm nhận đầu tiên về khoảng trời hình chữ nhật nhỏ bé này.

Chị Cao Hoàng Lan A1-K50 cho biết: “Trong tim chị, 10+ có lẽ chính là sắc vàng – màu của niềm tin và hy vọng. Vốn dĩ đến với Chuyên Ngữ là một điều chị không hề dự tính trước, nhưng 10+ đã giúp chị thay đổi hoàn toàn góc nhìn về Chuyên Ngữ. Từ việc được anh chị khối trên chào đón bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt, được một chị OGL (người mà tình cờ cũng là OGL của OG chị) tận tình dẫn vào tới tận lớp, cho đến những lúc các anh chị hết mình cheer, chăm lo chu đáo tới từng camper đều đã khiến chị xúc động vô cùng. Lúc ấy, chị đã có một niềm tin mãnh liệt rằng việc học Chuyên Ngữ chính là một trong những lựa chọn sáng suốt nhất cuộc đời chị. Sau đó, chị cũng đã tự đặt lời hứa rằng năm lớp 11 nhất định phải trở thành OGL, để có thể đem lại được niềm vui, sự quan tâm tới K51 như chính cách mà chị đã từng nhận được.”

Từ đó, Mười Cộng cũng chính là nơi khởi nguồn của lòng can đảm, của những khó khăn và của cả niềm hạnh phúc vô bờ khi vượt lên chính giới hạn của bản thân mình.

Chị Phạm Hà Trang A3-K50 – Subhead Fam 3 10+ 2019 và Famhead Fam 3 10+ 2020 đã tâm sự rằng: “Việc lãnh đạo Fam của 10+ đã khiến chị trở thành một con người hoàn toàn khác. Trước đây, chị rất tự ti, không dám thử sức với những vị trí lớn vì e dè trước thất bại. Thậm chí hồi mới nhận được thông báo trở thành Subhead Fam 3, chị vẫn còn trăn trở nhiều bất an, lo sợ. Năm kế tiếp thì chị may mắn được nhận cơ hội trở thành Famhead. Đủ can đảm trở thành một người đứng đầu bảo vệ tập thể của mình là không hề dễ dàng, vì vậy chị đã có một khoảng thời gian dài hết sức áp lực, khó khăn và đã khóc rất nhiều. Nhưng cuối cùng thì hạnh phúc là chị và cả Fam đã vượt qua và có một mùa 10+ trọn vẹn. Thời gian trôi đi, chị tin rằng độ “lửa” của 10+ sẽ không bao giờ biến mất. Chúng ta có thể sẵn sàng lao vào cheer một bài thật to ở sân trường, hét hò dưới trời mưa tầm tã. Ngày camp khép lại nhưng 10+ đối với chị dường như không bao giờ kết thúc, chị đã được nhìn thấy rất nhiều những bài viết tri ân, những lời cảm ơn và những mối quan hệ vô cùng quý giá được thiết lập.”

Và quả thật là như vậy, ngày camp qua đi nhưng câu chuyện của Mười Cộng không hề dừng lại. Đó là một trang khởi đầu tươi sáng để tạo động lực viết tiếp hành trình một nghìn ngày tại Chuyên Ngữ bất kể guồng quay vội vã và áp lực của nơi đây. Những phiền muộn của một ngày dường như sẽ nhẹ nhàng hơn khi vào khoảnh khắc mệt mỏi nhất, ta ngẩng đầu lên và nghe thấy tiếng chào “CAMPER!” thật thân thuộc.

2. Hola – Điểm màu

Sau một khoảng thời gian đi cùng với nhịp độ hối hả của Chuyên Ngữ, ta tạm gác lại bài tập chất chồng và đến với “chuyến du lịch” kỳ lạ có một không hai tại Hola. “Chuyến du lịch” mà khi người này phải đứng ngoài cửa canh để người kia vội vã nấu mì, khi cả đám túm tụm trong không gian tối om để ăn vịt quay, khổ sở chẳng biết là đang bốc phải miếng xương hay miếng thịt. Nhưng cũng là “chuyến du lịch” mộc mạc và đáng nhớ nhất khi cùng đám bạn lén lút trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Hola đem trong mình sắc mầm tươi mát của quãng thời gian yên bình nhất, nhưng cũng là khi sự trưởng thành được đâm chồi.

Chị Hoàng Lan bật mí: “Để diễn tả về Hola đối với chị thì có lẽ chị sẽ lựa chọn màu tím – màu sắc chứa niềm vui và những nỗi buồn man mác đan xen không rõ ràng. Mọi vui buồn, hỉ nộ ái ố chị đều đã cảm nhận được từ Hola. Mọi người thường có một danh sách việc cần làm ở Hola và chị đã thực hiện được gần hết. Từ Hola, chị cũng đã tìm kiếm được những người bạn mà đồng hành với chị cho tới tận bây giờ. À mà, màu tím còn đem đến cả sự thương nhớ nữa! Hola thực sự đã đem lại cho chị những cảm xúc và trải nghiệm mà chắc chắn chị sẽ không có được lần hai.”

Đúng vậy, có những mẩu chuyện dở khóc dở cười mà nếu không phải Hola thì sẽ chẳng thể xảy ra ở bất cứ nơi nào khác. Chỉ có tại Hola, ta mới thể tìm thấy “những bát mì được nấu bằng nước bình nóng lạnh”. Chỉ có tại Hola, ta mới được thử qua cảm giác rón rén “tắm trong bóng đêm”. Chỉ có tại Hola, ta mới được chứng kiến cảnh tượng của những căn phòng bất chợt không một bóng người khi đi trực đêm. Và nhớ về Hola, ta lại nhớ đến những lần khi cả đám rủ nhau ăn lẩu rồi lại vô tình ngủ quên tới sáng, hay cả những thắc mắc vẫn không thể nào giải đáp như truyền thống “một người vỡ bát, cả làng vỗ tay”.

 Mọi người vẫn thường nói “những gì đã diễn ra tại Hola sẽ ở lại Hola” là vậy. Dù đã bước khỏi chuyến xe, xách theo chiếc vali và trở về nhà, nhưng dường như tâm trí của chúng ta vẫn lạc trong ánh nắng, trong khoảng trời dịu nhẹ của Hola.

3. CNN Olympics – Rực sắc

Sau một mùa Hola khó quên đầu năm học, CNN Olympics xuất hiện, mở đầu cho một học kỳ mới và cũng là một năm mới đầy hứa hẹn. Khoảnh khắc tiếng còi khai cuộc vang lên cũng là lúc cả sân trường như vỡ oà với những tiếng hò reo. Tất cả mọi người, bất kể năng động hay nhút nhát, cũng cùng góp sự nhiệt huyết của mình vào ánh đuốc của Hội thao. Những bức ảnh chụp lại về ngày hội hôm ấy dường như vẫn chan chứa một niềm vui lạ kỳ. Đó là cảm giác háo hức khi được cầm chiếc cúp trên tay, là sự toại nguyện khi công sức của bao buổi tập luyện đều xứng đáng.

Anh Chu Đức An B1-K50 – Phó nhà Amethyst CNN Olympics 2019 đã bộc bạch rằng: “Thật may mắn khi anh đã nắm bắt lấy cơ hội quý giá đứng lên tranh cử cho vị trí phó nhà Amethyst vào năm lớp mười, hay còn được gọi gần gũi hơn là BCQ – sắc tím của sự tự tin, mạnh mẽ đối với anh. Trong những ngày đầu tiên, đi tới đâu thì mọi người trong nhà cũng đều chào và trêu anh, chúc anh một năm thật bùng cháy. Cũng nhờ BCQ mà anh đã gặp được những người bạn luôn ở cạnh anh mỗi khi gặp khó khăn và sẵn sàng ủng hộ anh những lúc anh cần hỗ trợ. Từ đó, sắc tím đã trở nên đặc biệt nhường nào trong anh. Tới tận năm cuối hội thao, anh vẫn đeo bandana tím và mang túi ruy băng tím mua từ lớp mười.”

II. Vật dụng số 2: Lưu bút

“Cùng” có lẽ là từ khóa được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong những mối quan hệ của học sinh Chuyên Ngữ. Bạn “cùng” lớp, “cùng” câu lạc bộ, “cùng” OG, “cùng” Fam, “cùng” nhà. Và rồi, họ cũng lại chính là những con người đã “cùng” lấp đầy từng trang lưu bút, và “cùng” ta trải qua những ký ức đáng nhớ nhất của tuổi học trò.

Nhắc về những người bạn của mình, anh Chu Đức An chia sẻ: “Anh nhớ trước đây, anh từng viết cho K51-wannabe là Chuyên Ngữ bé lắm, một phần là vì trường bé thật, phần còn lại là bởi đi đâu cũng gặp được người quen. Có những ngày vô định không biết làm gì sau khi tan học, anh vẫn thường ở lại trường, đi đi lại lại xung quanh hoặc ngồi một góc sảnh gạch, và sẽ lại gặp ai đó quen và thốt lên câu “Ơ sao mày vẫn ở trường thế?”

Không chỉ là những tình bạn được ươm mầm mà những người thầy, người cô luôn tận tụy ở nơi đây cũng để lại biết bao hồi ức đáng nhớ. Chị Hoàng Linh Đan A3-K50 kể lại: “Chị vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm vào ngày trời mưa rất to, một anh học sinh lớp chị đến trường và bị ướt hết áo. Thế rồi, cô chủ nhiệm của lớp chị đã liền mang máy sấy tóc từ nhà tới để sấy cho anh. Thường ngày, cô cũng hay bình luận vào bài đăng của anh chị trên Facebook khiến cho anh chị cảm giác gần gũi với cô hơn rất nhiều. Ngoài ra thì cô cũng là một người hết sức thoải mái với anh chị, luôn tin tưởng vào những lựa chọn và quyết định của anh chị nữa.”

Anh Chu Đức An cũng nhớ lại kỷ niệm: “Tiết học cuối cùng là giờ của cô chủ nhiệm lớp anh và khi ấy cô đã dành thời gian đó để chúc từng bạn một trong lớp. Trước đó thì mỗi khi điểm toán bọn anh thấp, cô sẽ gọi từng bạn lên để nhắc nhở, anh vẫn luôn nhớ mãi câu nói này của cô: “Con nghĩ điểm như vậy có xứng đáng với khả năng của con không?”. Vừa nghiêm khắc mà vẫn nhẹ nhàng như vậy đó!”

Đó chính là những người thầy, người cô của Chuyên Ngữ. Họ luôn tinh tế lắng nghe những câu chuyện thường ngày của học sinh, từ những cảm xúc cá nhân, một lời bông đùa hay một ý kiến đóng góp tới bài giảng. Cùng với những nét chữ viết tay tinh nghịch của bạn bè, vết mực dịu dàng và nắn nót nhất của cuốn lưu bút tuổi trẻ đã được viết nên từ những người lái đò chở lửa của Chuyên Ngữ.

III Vật dụng số 3: Bảng Countdown

Mỗi ngày tới trường, việc bốc những lời động viên dễ thương từ Trạm Ký Ức mỗi khi mệt mỏi, hay đặt những miếng dán sắc màu lên tấm bảng hỏi thăm bỗng chính thức trở thành một thói quen và niềm vui bé nhỏ trong những ngày cuối ở Chuyên Ngữ.

Trạm Ký Ức K50 từ khi nào đã trở thành một “người bạn” thân thuộc, không thể vắng bóng trong cuộc sống của những ngày cuối cấp. Để tìm hiểu về những nét cá tính khiến “người bạn” ấy có thể thu hút và trở nên thân thiết với những thành viên K50 tới vậy, CNN Zoom đã quyết định thực hiện một buổi chuyện trò cùng một số anh chị K50. Chị Linh Đan đã bày tỏ suy nghĩ rằng: “Nếu ví Trạm Ký Ức K50 như một người bạn thì chị nghĩ rằng đó sẽ là một người hài hước, và chắc chắn sẽ vô cùng sáng tạo, vô cùng khác người, thậm chí là trở thành tâm điểm của sự chú ý vì sẽ luôn luôn có một câu chuyện để kể cho mọi người. Đó cũng chính là những nét cá tính mà chị thấy ở K50. Ví dụ như bài đăng thông báo phông nền chụp ảnh “Màu X”, caption trên Instagram về ảnh K9 có thể khiến người đọc cười ngặt nghẽo một cách khó hiểu ấy.”

Vậy thì để có thể đem đến những bài viết mang đậm màu sắc K50 ấy, liệu đội ngũ ban tổ chức của chúng ta đã làm như thế nào? Trong buổi trò chuyện cùng với CNN Zoom, chị Hoàng Lan – Trưởng ban Nội Dung Trạm Ký Ức K50 đã chia sẻ lại về những yếu tố quan trọng để tạo nên một mùa tri ân đáng nhớ:

“Trước tiên, đó chính là luôn phải đặt mình vào vị trí của mọi người, suy nghĩ xem hiện tại mọi người muốn xem, muốn nhận được điều gì. Dẫu rằng chúng có thể “ngốc nghếch”, “châm biếm” một chút cũng được, nhưng miễn là đem lại tiếng cười và niềm vui. Không những thế, việc đặt tâm huyết vào mọi thứ mình làm dù là nhỏ nhất cũng là một điều anh chị vô cùng để tâm. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất lại chính là sự đồng hành, ủng hộ của mọi người. Khi bắt đầu triển khai những hoạt động tương tác trực tiếp như hộp đựng lời trích dẫn, bảng tarot tâm linh, bưu thiếp, anh chị đã khá lo ngại rằng liệu mọi người có làm không, có ủng hộ không, in 300 tấm bưu thiếp còn sợ không dùng hết. Bất ngờ thay, mọi người lại rất ủng hộ những hoạt động nho nhỏ ấy của Trạm. Và may mắn hơn nữa vì có những người còn coi Trạm như một người bạn để tâm sự, chia sẻ.”

IV. Vật dụng số 4: Hộp tin nhắn online

Với sự xuất hiện đột ngột của đại dịch, năm học lớp mười hai này dường như đã phá vỡ những định nghĩa khuôn mẫu về một mùa chia ly. Nhìn lại những ngày cuối cấp của K50, chúng ta không hề bắt gặp hình ảnh mọi người rối rít chuyền tay những cuốn lưu bút hay cùng nhau đung đưa theo tiếng đàn guitar trong đêm lửa trại. Và thay vì những giờ phút nghẹn ngào ngày bế giảng, giờ đây ta chỉ còn có thể chào tạm biệt nhau qua chiếc màn hình nhỏ. Chị Hà Trang bày tỏ: “Vào ngày bế giảng năm học diễn ra, mọi người vẫn thường hay đề cập tới việc ba năm kết thúc bằng một nút bấm. Tuy nhiên, đối với cá nhân chị, chị nghĩ rằng có một số thứ chỉ đơn giản là về mặt hình thức nên cũng không cần nghiêm trọng hóa vấn đề ấy quá. Vào phút giây đó, nếu mình đã ấn nút rời đi ấy với tất cả sự trân trọng và chân thành mà mình có thì mọi thứ vốn dĩ đã trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều rồi.”

Nhắc đến học online, chúng ta có thể thường nghĩ tới những dự định bị trì trệ hay xáo trộn. Tuy nhiên, có lẽ ngay trong chính những điều tiêu cực ấy, ta cũng lại chiêm nghiệm được nhiều điều như việc trân trọng hơn những tháng ngày đi học trên trường, rút ra bài học về việc không chần chừ mà hãy thực hiện những kế hoạch cùng bạn bè ngay khi ta có thể.

Hóa ra, đến cuối cùng, khoảng cách về địa lý mà đại dịch đem lại cũng không thể thay đổi tình cảm mà chúng ta dành cho nhau.

V. Vật dụng số 5: Lá thư từ K50

Chị Cao Hoàng Lan nhắn nhủ:

“Trong bài “I’ll keep you safe” của Sleeping At Last có một đoạn như thế này:

‘Don’t be, don’t be afraid.

Our mistakes, they were bound to be made.

But I promise you I’ll keep you safe.’

Gửi tới những mối quan hệ tuyệt vời mà mình may mắn có được ở Chuyên Ngữ, dù bất cứ điều gì có xảy ra, mình mong rằng mọi người sẽ vững vàng vượt qua. Bởi vì mọi việc xảy ra đều vì chúng cần xảy ra và cuối cùng mình sẽ luôn nhận lại được một điều gì đó dù là trải nghiệm hay bài học. Và vì mọi người đã luôn ở bên cạnh mình, nên mình mong mọi người biết rằng dù thế nào thì mình vẫn sẽ luôn ở đây, bảo vệ và che chở mọi người bằng tất cả những gì mình có thể.”

Anh Chu Đức An gửi gắm: “Trong Katekyo Hitman Reborn có một câu là ‘When you’re really in trouble, of course I’d come and help. That’s what friends are for, right?’ – Takeshi Yamamoto. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, bức tranh Chuyên Ngoại ngữ của mình mới được trọn vẹn, vậy nên bất cứ khi nào mọi người cần, hãy gọi mình nhé, và luôn luôn nhớ rằng mọi người không bao giờ cô đơn. Chuyến hành trình tới sẽ có thể có nhiều khó khăn mới, nhưng ‘rồi thì đâu sẽ vào đó’ nên mọi người đừng đánh mất niềm tin mà hãy tiếp tục cố gắng thật nhiều. Hãy bật ‘Đâu vào đó’ của Cam, gật gù đôi chút theo nhịp là mọi chuyện sẽ qua ấy mà.”

Nhìn lại hành trình “một nghìn ngày” tại Chuyên Ngữ với đầy đủ những đoạn đường bằng phẳng và bấp bênh, ta có thể nhận ra những niềm vui, những giọt nước mắt và cả những nỗi âu lo. Thế nhưng, trải qua tất cả những hồi ức đong đầy dưới khoảng trời chữ nhật nhỏ bé ấy, ta vẫn nở một nụ cười khi nhớ về Chuyên Ngữ, nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ khi còn bên nhau. Dù giờ đây, đó đã là những câu chuyện của quá khứ, nhưng hãy tự hào vì chúng ta đã sống một cách rực rỡ nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của đời mình.

Bình luận về bài viết này

Comments (

0

)

Tạo một blog trên WordPress.com